Rau Giấp Cá

May, 2017 - 02:05 AM

rau-giap-ca

Cây giấp cá còn có tên là cây diếp cá, dấp cá. Tên khoa học là Houttuynia cordata. Họ lá giấp Saururaceae. Tên tiếng Anh của nó là heartleaf (lá hình tim) hay lizardtail (đuôi thằn lằn).

Giấp cá có nguồn gốc ở Nhật Bản, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á, là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt, có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40 cm, có lông hoặc ít lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc. Toàn cây vò có mùi tanh như mùi cá.

Theo Đỗ Tất Lợi, trong cây có chừng 0,0049% tinh dầu và một ít chất ancaloit gọi là cocdalin. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là metylnonylxeton, chất myrcen, axit caprinic và laurinaldehyt. Hoa và quả chứa chất isoquexitrin và không chứa quexitrin. Độ tro trung bình là 11,4%, tro không tan trong HCl là 2,7%\.

Trong y học

Ở Trung Quốc, người ta nhổ cây giấp cá vào mùa hè và thu hoạch rửa sạch rồi phơi khô. Những người nguyên khí hư, có chứng đau chân không nên dùng. Những người không phải thấp nhiệt và sang độc cũng không nên dùng. Nó là mát (theo Hu), tán ứ (Kariyone & Kimure). Dùng bên ngoài trị ung nhọt, sưng, vết thương da lở (Roi), đắp bó làm xương gãy mau lành (Cheo). Nấu giấp cá với thịt heo uống vào mùa xuân để xổ lãi (Hu). Lá giấp cá sắc nước rẩy để cây bông vải, lúa kiều mạch khỏi bị dòn úa (Trung Quốc thổ nông dược chí).

 

Giấp cá theo dân Đông Dương tin tưởng và kinh nghiệm dùng nhiều thế kỷ là có tính dược mát, tán khí, trị kiết lị, sởi. Nghiền nhỏ lá đắp vào các chỗ bầm dập và trên mí mắt trị đỏ mắt (Faucaud), lá còn trị mề đay (Pételot). Hoa giấp cá dùng để trục hài nhi chết trong bụng (Loureirs, Crevast và Pételot).

Trong ẩm thực

Giấp cá từ lâu đã được trồng lấy lá làm rau ăn. Tại tây nam Trung Quốc, chẳng hạn các tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên, các rễ phụ cũng được dùng như là rau. Ở Việt Nam, giấp cá được dùng nhiều ở các tỉnh phía nam, thường dùng ăn lá sống kèm với nhiều món như thịt nướng, chả giò bún, gỏi cuốn…

Nhật đã có các công nghệ chế biến rau giấp cá thành các loại thực phẩm như trà rượu.

Sưu tầm

Posts Relation

Trả lời